Ngoài ra, mỗi người tài khi về công tác tại địa phương này còn được hưởng mức lương tối đa 50 triệu đồng/người/tháng.
UBND TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã xây dựng đề án về việc thực hiện quy định chính sách ưu tiên thu hút nhân tài vào làm việc tại các cơ quan chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành phố. Mỗi người tài về làm việc sẽ được hỗ trợ ban đầu tối đa 500 triệu đồng/người, hưởng mức lương tối đa 50 triệu đồng/người/tháng cùng nhiều đãi ngộ khác.
Theo đề án, thời gian thực hiện thu hút từ năm 2024 đến hết năm 2027. Dự kiến thu hút được 10 người tài cho các nhóm lĩnh vực gồm: Công nghệ thông tin, Nông nghiệp công nghệ cao, Dịch vụ du lịch, Quy hoạch đô thị, Xây dựng – hoạch định chính sách công.
Một góc TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ
Điều kiện đăng ký tuyển chọn ngoài các tiêu chí chung về sức khỏe, đạo đức, những người tham gia còn phải đáp ứng các tiêu chí cụ thể.
Trong đó, chuyên gia là người có trình độ đại học trở lên, có trình độ chuyên môn phù hợp với lĩnh vực thu hút. Có kinh nghiệm thực tiễn công tác trong lĩnh vực thu hút từ 10 năm trở lên. Trong thời gian công tác được tổ chức ghi nhận, được bổ nhiệm tại các vị trí chủ chốt hoặc chủ trì tham mưu hoạch định các chính sách, chiến lược đạt hiệu quả cao. Chủ trì hoặc tham gia ít nhất một đề án hoặc công trình cấp Bộ, cấp tỉnh trở lên liên quan đến lĩnh vực thu hút, đã được áp dụng và có hiệu quả trong thực tiễn.
Đối với nhà khoa học, có trình độ là Tiến sĩ, có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực thu hút. Đã chủ trì thực hiện ít nhất 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp Bộ trở lên hoặc là thành viên tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia liên quan đến lĩnh vực thu hút.
Riêng người có tài năng đặc biệt phải có năng lực đặc biệt xuất sắc, nổi trội, có thành tích, giải pháp, sáng kiến đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực thu hút được các cơ quan chuyên môn, tổ chức khoa học và công nghệ và cộng đồng công nhận.
Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao. Ảnh: Báo Nhân Dân
Theo Nghị quyết 34 của HĐND tỉnh Đắk Lắk, người tài sẽ được hỗ trợ ban đầu tối đa 500 triệu đồng/người, hưởng mức lương tối đa 50 triệu đồng/người/tháng.
Đối với hợp đồng khoán việc, mức khoán và chi trả được thực hiện theo thỏa thuận. Mỗi công trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học, giải pháp, sáng kiến đổi mới kỹ thuật, công nghệ được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phê duyệt, công nhận thì được hưởng hỗ trợ khuyến khích bằng 1% tổng kinh phí chi trả cho đề án.
Tổng mức hỗ trợ khuyến khích không thấp hơn 50 triệu đồng/người/công trình. Ngoài ra còn được hỗ trợ tiền thuê nhà ở tối đa 10 triệu đồng/tháng.
Cùng với đó, người tài còn được cử tham gia các khóa bồi dưỡng trong nước và quốc tế, đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc, ưu tiên bố trí biên chế để thực hiện tuyển dụng đặc cách theo quy định…
“Với những tiêu chí lựa chọn chặt chẽ, công bằng, chế độ đãi ngộ lớn, chúng tôi hy vọng đến cuối năm 2027 sẽ thu hút được 10 người tài về công tác tại TP. Buôn Ma Thuột”, ông Vũ Văn Hưng – Chủ tịch UBND thành phố trả lời trên Báo Vietnamnet chiều 9/7.
TP. Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk, là thành phố lớn nhất ở vùng Tây Nguyên. Hiện thành phố có diện tích hơn 377km2, dân số khoảng 485.000 người, thuộc các dân tộc Kinh, K’Ho, Cơ Tu, Ê Đê, Xơ Đăng, Gia Rai… Những năm gần đây, Buôn Ma Thuột đã có sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, dần trở thành đô thị hiện đại, năng động và bước đầu thể hiện được vai trò đô thị trung tâm vùng.
Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP. Buôn Ma Thuột, thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk sẽ trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Tầm nhìn đến năm 2050, TP. Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê thế giới”, trung tâm đô thị vùng, trung tâm văn hóa, trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ nông nghiệp quốc tế.