Trước câu hỏi kênh đầu tư nào sẽ mang lại biên độ lợi nhuận tốt trong thời gian tới, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng nhưng sẽ không bằng bất động sản.
Lý giải cho dự báo này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay, giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng bởi vì sản lượng khai thác mỗi một năm của vàng tăng khoảng 1,5%/năm và thậm chí ngày càng ít đi. Trong khi, lượng tiền in ra của nước Mỹ trung bình hiện nay tăng khoảng 3,5-4%. Như vậy, lượng đô la so với vàng luôn tăng cao hơn. Nên giá vàng cứ thế tăng.
Tuy nhiên, giá vàng tăng không nhanh như bất động sản. Ngay cả ở nước Mỹ, trong khoảng từ năm 1990 đến nay, giá bất động sản tăng 100 lần, giá vàng tăng 40 lần. Ở Việt Nam, giá bất động sản còn tăng mạnh hơn, một số nơi tăng lên tới 400 lần. Giá vàng tăng khoảng 40 lần. Dẫn ví dụ này để thấy, bất động sản tăng nhanh hơn vàng.
“Vì sao giá bất động sản tăng mạnh như vậy? Vì nguồn đất ngày càng khan hiếm, người càng nhiều hơn. Ở Việt Nam, cung cách về quy hoạch, cấp phép cho các dự án mang đến cho chúng ta một nỗi lo: nguồn cung của bất động sản ngày càng khan hiếm. Cách đây 10 năm, mỗi năm Hà Nội cấp 40-60 dự án thì giờ chỉ còn lại 1-2 dự án. Đây là nỗi lo của thế hệ trẻ từ nông thôn ra. Giấc mơ về nhà của họ ngày càng mờ mịt. Điều đáng nói đến nay chưa có hệ thống chính sách nào hiện hữu mang đến tia sáng ở cuối đường. Chính vì vậy, bất động sản vẫn sẽ còn tiếp tục tăng”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói thêm.
Bình luận thêm về kênh đầu tư vàng trong nước hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, giá vàng biến động mạnh trong thời gian vừa qua chủ yếu do các nhà đầu cơ cá nhân và cả một số công ty kinh doanh vàng bạc nhảy vào đầu cơ. Họ kỳ vọng rằng, giá vàng thế giới còn tiếp tục tăng. Họ còn cho rằng, nguồn cung vàng của ngân hàng Trung ương hạn hẹp. Họ cũng hy vọng, các biện pháp quản lý vàng đang “chặt” đến một lúc nào đó rồi sẽ buông. Nhưng họ nhầm, bởi giá vàng thế giới và trong nước sẽ còn giảm trong ngắn hạn.
Ông Nghĩa phân tích thêm, nhiều nhà đầu tư nhận định khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất, đồng đô la giảm giá thì vàng thế giới sẽ tăng. Chỉ số USD Index từ 104-105 điểm còn xuống thấp hơn. Và đồng đô la giảm giá thì giá vàng sẽ tăng lên. Người ta kỳ vọng vậy nhưng trong chu kỳ ngắn hạn sẽ đi ngược lại. Chỉ số USD Index giữ ở mức 104-105 còn giá vàng giảm.
Tiếp đến, người ta tưởng ngân hàng Trung ương không đủ lực để bán vàng. Nhưng họ không biết rằng, những năm trước đây khi chưa xảy ra khủng hoảng do ảnh hưởng bởi Covid-19, mỗi năm, nhập khẩu chính thức vàng của Việt Nam là 3-4 tấn, còn lại nhập khẩu phi chính thức không tính được. Hội đồng vàng thế giới dự báo nhu cầu vàng của Việt Nam trong dài hạn là khoảng 50 tấn/ năm. Nếu quy đổi sang USD, giá trị vàng cần nhập khẩu là 3 tỷ đô la.
“3 tỷ đô là con số chẳng là gì khó khăn với NHTW và cũng chẳng là gì khó khăn với dự trữ ngoại tệ nói chung của Việt Nam. Dự trữ quốc gia được tính từ 2 nguồn: nguồn dự trữ từ NHTW và nguồn dự trữ từ trong dân, doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại. Dự trữ từ NHTW khoảng trên 100 tỷ đô. Dự trữ trong dân, các doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại còn lớn hơn rất nhiều. Trong khi đó, thực tế, 3 tỷ đô này còn thấp hơn giá trị nhập khẩu mỹ phẩm của phái đẹp tại Việt Nam. Theo tính toán, lượng mỹ phẩm nhập vào Việt Nam lên tới 3,3 tỷ USD. Trong khi, lượng rượu vang và cigar còn lên tới gần 4 tỷ USD. Thế nên, 3 tỷ đô không phải là vấn đề ghê gớm. Còn lại là vấn đề tâm lý, chúng ta đánh giá quá cao sức mạnh của vàng trong cuộc sống hiện nay. Vàng sẽ không tác động lớn đến tỷ giá hối đoái. Thế nên, việc quản lý vàng cũng cần có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình hiện nay”, vị chuyên gia này nói thêm.
Báo An Ninh Tiền Tệ