Nằm ở vị trí ở trung tâm vùng Tây Nguyên, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để phát triển, đặc biệt là Nghị quyết số 72/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội khóa XV về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột. Tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột đang tận dụng cơ hội lớn này huy động và tập trung các nguồn lực đầu tư khai thác các tiềm năng, lợi thế để phát triển bứt phá xứng tầm là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận 67-KL/TW của Bộ Chính trị.
Nhiều chuyển biến tích cực
Từ đầu năm 2023 đến nay, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ðắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột đang nỗ lực triển khai kế hoạch thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên và tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặc biệt là Nghị quyết số 72/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột…
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng vui mừng cho biết: Sau 48 năm giải phóng, đặc biệt kể từ khi thực hiện Kết luận số 60-KL/TW ngày 27/11/2009 Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010-2020 và Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 9/7/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 67, đến nay, thành phố Buôn Ma Thuột đã có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt, trở thành đô thị hiện đại, năng động, bản sắc ở Tây Nguyên.
Bước đầu một số lĩnh vực như y tế, giáo dục-đào tạo, khoa học kỹ thuật, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, hàng không… đã thể hiện được vai trò trung tâm vùng Tây Nguyên.
Đường Nguyễn Tất Thành, tuyến giao thông huyết mạch của thành phố Buôn Ma Thuột. (Ảnh: CTV)
Trong giai đoạn 2010-2020 tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố đạt hơn 96.000 tỷ đồng. Tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 9,16%. Quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt hơn 22.100 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch theo hướng dịch vụ, công nghiệp-xây dựng….
Riêng trong năm 2022, mặc dù phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Buôn Ma Thuột, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đều đạt kết quả cao, tổng các nguồn vốn đầu tư công đạt hơn 1.367 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước đạt trên 2.600 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Tình hình quốc phòng-an ninh, trật tự xã hội được bảo đảm. Thành phố Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020…
Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao. (Ảnh: CTV)
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn đầu tư của Trung ương, của tỉnh và thành phố, trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột được triển khai xây dựng nhiều dự án trọng điểm như đường vành đai phía tây Buôn Ma Thuột, đường Ðông Tây, đường tránh đông thành phố Buôn Ma Thuột, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, hồ Ea Tam và một số khu đô thị mới do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng… với số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trong đó một số dự án, công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng không chỉ tạo cho bộ mặt thành phố Buôn Ma Thuột ngày càng khang trang, hiện đại, bản sắc mà còn từng bước thể hiện được vai trò trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận của Trung ương.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung ương, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận sau 10 năm tổ chức thực hiện Kết luận số 60-KL/TW của Bộ Chính trị, thành phố Buôn Ma Thuột vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém.
Cụ thể như: Phát triển kinh tế chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế; thiếu sự kết nối trong phát triển giữa các ngành theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao. Chưa thật sự đóng vai trò là đô thị trung tâm mang bản sắc riêng của vùng Tây Nguyên; chưa thể hiện rõ nét là cực tăng trưởng tác động lan tỏa tới các tỉnh trong vùng, là trung tâm giao lưu, cửa ngõ và đầu mối giao lưu buôn bán hợp tác trong khu vực tam giác Việt Nam-Lào-Campuchia.
Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên được xây dựng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.
Trong nhiều nguyên nhân hạn chế, yếu kém được chỉ ra thì nguyên nhân chưa có nguồn lực ưu tiên đầu tư và chưa có cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột phát triển là quan trọng nhất.
Kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, hạ tầng giao thông, nhất là giao thông kết nối với các tỉnh chậm được nâng cấp; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh và khai thác có hiệu quả; chưa tạo được sự đột phá và phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và vị trí trung tâm vùng…
Trong nhiều nguyên nhân hạn chế, yếu kém được chỉ ra thì nguyên nhân chưa có nguồn lực ưu tiên đầu tư và chưa có cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột phát triển là quan trọng nhất.
Cơ hội lớn để bứt phá
Để tháo gỡ khó khăn, tạo nguồn lực cho thành phố Buôn Ma Thuột phát triển bứt phá xứng tầm là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận 67 của Bộ Chính trị, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 72/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 và thực hiện trong thời gian 5 năm nên ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột đã sớm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với mục tiêu sớm đưa Nghị quyết vào thực tiễn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Buôn Ma Thuột thời gian tới.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng tạo động lực, điều kiện để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và toàn vùng Tây Nguyên.
Nghị quyết số 72/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội khóa XV về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk tạo động lực cho thành phố Buôn Ma Thuột bứt phá vươn lên xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. (Ảnh: CTV)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng khẳng định: Nghị quyết số 72/2022/QH15 với những cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi như về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch; ưu đãi thu hút đầu tư; ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt là điều kiện thuận lợi, mở ra cơ hội lớn để thành phố Buôn Ma Thuột phát triển bứt phá và “cất cánh” trong những năm tới.
Nghị quyết số 72/2022/QH15 với những cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi như về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch; ưu đãi thu hút đầu tư; ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt là điều kiện thuận lợi, mở ra cơ hội lớn để thành phố Buôn Ma Thuột phát triển bứt phá và “cất cánh” trong những năm tới.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng
Theo tính toán sơ bộ của thành phố, riêng về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước theo cơ chế, chính sách đặc thù trong giai đoạn 5 năm 2023-2027, thành phố Buôn Ma Thuột sẽ có thêm nguồn lực khoảng gần 5.000 tỷ đồng.
Trong đó, các nguồn vốn vay khoảng 2.500-2.700 tỷ đồng để đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, tập trung cho 2 dự án cải tạo hạ tầng kỹ thuật hành lang suối Ea Nao và Ea Tam với chiều dài khoảng 5km, diện tích khoảng 275 ha; gần 1.700 tỷ đồng định mức chi thường xuyên được Trung ương cấp tăng thêm cho thành phố sẽ bố trí đầu tư cho các nhiệm vụ phục vụ công cộng và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, tạo động lực để thành phố Buôn Ma Thuột phát triển mạnh mẽ với tiêu chí đô thị xanh, sinh thái, bản sắc và thông minh gắn kết chặt chẽ giữa đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới theo Kết luận 67-KL/TW.
Là đô thị năng động, hiện đại giữa đại ngàn Tây Nguyên, nhưng trong lòng thành phố Buôn Ma Thuột vẫn gìn giữ, bảo tồn được nhiều buôn cổ của đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù sẽ miễn giảm thuế doanh nghiệp, đặc biệt các dự án đầu tư sản xuất, bảo quản, chế biến cà-phê trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo… mở ra cơ hội lớn cho thành phố Buôn Ma Thuột thu hút đầu tư trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, chế biến cà-phê để phát triển chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản, tạo nên giá trị gia tăng cho các loại nông sản của thành phố, của tỉnh Đắk Lắk và cả khu vực Tây Nguyên…
Cơ chế, chính sách đặc thù cũng phân cấp cho tỉnh Đắk Lắk được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng của thành phố, đồng thời thu hút các nhà khoa học, đội ngũ trí thức, những tài năng đặc biệt về công tác tại thành phố, tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian tới.
Bảo tàng Đắk Lắk, nơi bảo tồn, gìn giữ và giới thiệu văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên.
Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đak Lak) cho biết: “Simexco Dak Lak là doanh nghiệp xuất khẩu cà-phê lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, bình quân mỗi năm thu mua và xuất khẩu hơn 106.000 tấn cà-phê nhân với doanh thu hơn 6.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, lâu nay chúng tôi mới tập trung vào xuất khẩu cà-phê thô. Nay tận dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột theo Nghị quyết 72/2022/QH15 của Quốc hội, doanh nghiệp chúng tôi đã xây dựng đề án xây dựng khu liên hợp chế biến sâu cà-phê phục vụ xuất khẩu.
Cơ chế, chính sách đặc thù này chỉ có hiệu lực trong thời hạn 5 năm nên chúng tôi mong muốn các ngành chức năng của tỉnh và thành phố Buôn Ma Thuột sớm quy hoạch, giao đất cho doanh nghiệp chúng tôi để xây dựng nhà máy, góp phần nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của cà-phê Việt Nam trên trường quốc tế, trong đó có cà-phê Buôn Ma Thuột”.
Buôn Ma Thuột là thành phố có tỷ lệ cây xanh cao nhất cả nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà đánh giá, các quyết sách của Trung ương và kế hoạch thực hiện của địa phương đang mở ra cơ hội cho thành phố Buôn Ma Thuột phát triển, trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận 67 của Bộ Chính trị. Trong đó, thành phố sẽ có nguồn lực mới, đủ mạnh để đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng liên kết vùng; thu hút nhà đầu tư, nhất là dự án trọng điểm trên tất cả lĩnh vực; thu hút nhân tài, nhà khoa học phục vụ phát triển của địa phương…
Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột với quy mô cấp quốc gia được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần, tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành thành phố cà phê của thế giới.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai các nhiệm vụ, trong đó giao cụ thể cho từng sở, ngành, chính quyền thành phố nhằm bắt kịp, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là triển khai ngay cơ chế, chính sách đặc thù từ Nghị quyết số 72 của Quốc hội để phát huy tối đa hiệu quả của chính sách khi Nghị quyết thực hiện thí điểm trong 5 năm.
Trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh sẽ chủ động làm việc các bộ, ngành, Chính phủ để tháo gỡ nhằm tạo động lực mạnh mẽ nhất cho thành phố Buôn Ma Thuột phát triển thành đô thị xanh, sinh thái, bản sắc và thông minh, xứng tầm là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận của Bộ Chính trị đã đề ra.
NGUYỄN CÔNG LÝ
Nguồn : Báo Nhân Dân