Hiện nay, nhiều tuyến cao tốc như Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương, Gia Nghĩa – Chơn Thành… đã và đang được triển khai xây dựng sẽ giúp kết nối các tỉnh Tây Nguyên với cảng biển và khu kinh tế Đông Nam Bộ. Loạt dự án cao tốc này sau triển khai, hoàn thành sẽ giúp thay đổi diện mạo cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế cho toàn vùng Tây Nguyên.
Đại công trường cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa đang trong quá trình thi công. Ảnh: Bảo Trung
Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ
Thống kê của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban A), tại Dự án thành phần 3, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, tính đến đầu tháng 7, dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 44,5/48,09km, đạt 95%. Thế nhưng, lũy kế sản lượng thi công là gần 600 tỉ đồng, chỉ đạt 12,2% kế hoạch.
Lãnh đạo Ban A nhận định, trong quá trình triển khai các hạng mục dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ dứt điểm. Quá trình phối hợp giữa các liên quan đơn vị chưa bảo đảm, không thống nhất dẫn đến công tác thi công còn chậm, chưa đáp ứng được tiến độ.
Theo tiến độ ban đầu đề ra, đến cuối tháng 6, các nhà thầu phải hoàn thiện hệ thống nền đường tuyến chính và đường gom hoàn trả; hoàn thành hệ thống các hạng mục tuyến chính và công trình trên tuyến. Tuy nhiên, đến đầu tháng 7, Tổ Quản lý dự án hiện trường đánh giá tình hình tiến độ của các nhà thầu đến nay là chậm tiến độ, chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra.
Còn tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ông Võ Ngọc Minh Phát – Phó trưởng Ban quản lý Dự án Giao thông tỉnh Lâm Đồng thông tin, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, đơn vị đang tích cực phối hợp với nhà đầu tư và các cơ quan đơn vị liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, để có thể khởi công 2 dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương vào tháng 12.
Cho tới thời điểm này, hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở của dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc đã được UBND tỉnh trình Bộ Giao thông Vận tải.
Thời gian triển khai thực hiện dự án và thi công xây dựng công trình Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương dự kiến sẽ kéo dài trong 2 năm, từ tháng 12.2024 đến tháng 12.2026.
Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây qua tỉnh Kon Tum bao gồm đoạn Ngọc Hồi – Pleiku dài 90km, quy mô 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030. Đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc gồm Pleiku – Buôn Ma Thuột, Buôn Ma Thuột – Gia Nghĩa. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại ngoài việc đang thi công tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa, những dự án còn lại về danh nghĩa vẫn đang nằm chờ “trên giấy” chưa chính thức khởi công xây dựng.
Hình hài cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. Ảnh: Phan Tuấn
Tương lai tươi sáng cho vùng Tây Nguyên
Thực tế, toàn vùng Tây Nguyên hiện vẫn chưa có cao tốc nào thực sự hoàn thiện, đưa vào sử dụng để phát huy tiềm năng, giá trị to lớn của khu vực trọng điểm này.
Việc mở đường lớn sẽ giúp các tỉnh Tây Nguyên tạo sự liên kết trong toàn vùng và hệ thống Logistics sẽ được vận hành trơn tru, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp đến đầu tư ở địa phương…
Đắk Lắk là tỉnh đầu tiên trong vùng Tây Nguyên có tuyến cao tốc kết nối rừng và biển đã cơ bản thành hình, dự kiến đến năm 2026 sẽ cơ bản thông tuyến.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa hoàn thành sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Khánh Hòa nói riêng, khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ nói chung.
Để hoàn thành dự án đúng tiến độ, UBND tỉnh đang yêu cầu đại diện chủ đầu tư, các nhà thầu đẩy nhanh hơn nữa hạng mục thi công nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sau khi nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Ông Nguyễn Hữu Quế – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định: “Tây Nguyên là địa bàn chiến lược của Quốc gia về an ninh – quốc phòng. Địa bàn tỉnh có diện tích lớn nhất vùng, diện tích đất trồng đa dạng nhiều loại nông sản và còn là nơi luân chuyển hàng hóa trong yếu ở toàn khu vực Tây Nguyên.
Thế nên, Gia Lai rất cần hệ thống mạng lưới cao tốc để thúc đẩy Logistics phát triển. Cao tốc sớm triển khai trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên sẽ tăng cường năng lực vận chuyển hàng hóa, hành khách, kết nối vùng miền, quốc tế và thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội. Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ cần sớm quan tâm, bố trí nguồn vốn để đẩy nhanh tiến trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo quy hoạch đã được chọn”.
Nguồn : Báo Lao Động