Khơi thông dòng chảy, đả thông điểm nghẽn bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng

Tại Diễn đàn “Khơi thông dòng chảy bất động sản (BĐS) du lịch, nghỉ dưỡng” vừa diễn ra, nhiều chuyên gia cho rằng, tuy đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng thị trường BĐS trong phân khúc này vẫn còn những điểm nghẽn trong đầu tư, chính sách, tài chính…

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, phát triển thị trường BĐS du lịch cũng là cơ hội khai thác và sử dụng đất đai một cách hiệu quả khi biến những vùng đất hoang sơ chưa có giá trị thành những vùng đất có giá trị kinh tế cao.

Khơi thông dòng chảy bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng 

Theo ông Sinh, thời gian qua, thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng có nhiều bước phát triển trên cả nước, trong đó tập trung ở các địa phương như: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Ninh, Kiên Giang…

Lũy kế từ đầu năm đến tháng 3/2024, nhóm ngành BĐS đứng thứ 2 với hơn 1,58 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đăng ký FDI.

Ông Sinh nhấn mạnh, để có được kết quả này, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS tại nhiều địa phương, góp phần tăng nguồn cung cho thị trường…

Các bộ, ngành cũng chủ động, tích cực tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực BĐS…

Cùng với sự vào cuộc của các địa phương, các doanh nghiệp, trong thời gian qua, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng đã tạo ra những sản phẩm rất đa dạng, phong phú, tạo sự hấp dẫn cho khách du lịch và tạo môi trường, điều kiện để người dân được hưởng thụ những giá trị của BĐS nghỉ dưỡng.

Mặc dù vậy, nhìn nhận thực tế thị trường BĐS, trong đó có phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng vẫn còn những điểm nghẽn.

Từ đó, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, có 3 khó khăn chính liên quan đến vấn đề này: Thủ tục pháp lý, việc triển khai đầu tư dự án BĐS nói chung chưa đồng bộ, còn chồng chéo khiến nhà đầu tư còn ngần ngại; trình tự thủ tục đầu tư phải qua nhiều bước, gây ảnh hưởng đến tạo nguồn cung; việc xác định giá đất, quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng…

Ngoài ra, còn có những vướng mắc khác như công tác lập điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo sự đồng bộ giữa các cấp quy hoạch, hay khó khăn liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sử dụng tài sản; nguồn lực để phát triển dự án…

Ông Châu Ngô Anh Nhân – Giám đốc Sở KH&ĐT Thành phố Nha Trang nhận định, nguyên nhân khiến dòng BĐS du lịch, nghỉ dưỡng gặp những điểm nghẽn là bởi tư duy vẫn coi phân khúc này là “xa xỉ” nên chưa thực sự quan tâm quy hoạch, xây dựng và phát triển bài bản.

“BĐS du lịch chưa nhận được các chính sách hỗ trợ phát triển cụ thể, chưa có sự gắn kết giữa quy hoạch tỉnh với quy hoạch hệ thống du lịch, tầm nhìn đủ dài với thị trường BĐS và các vấn đề về môi trường xã hội đảm bảo cho sự phát triển bền vững của BĐS du lịch trong tương lai”, theo ông Nhân.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính quốc gia cho hay, để thị trường BĐS nghỉ dưỡng phát triển, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ; đa dạng hóa nguồn vốn, sản phẩm…

Hiện nay Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành như: Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, NHNN Việt Nam khẩn trương hoàn thành trình Chính phủ các văn bản hướng dẫn Luật và trình Chính phủ sớm ban hành Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 để ba bộ Luật có hiệu lực sớm từ ngày 1/7 tới đây.

Việc ban hành hệ thống các Luật này, trong đó có các nội dung tháo gỡ vấn đề đất đai, trình tự đầu tư, các hoạt động kinh doanh BĐS.

“Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc hoàn thiện, sửa đổi, tháo gỡ những khó khăn, trong thời gian tới sẽ có những điều kiện thuận lợi để triển khai phát triển các dự án BĐS nói chung và BĐS du lịch nghỉ dưỡng nói riêng”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói.

Nguồn : https://dansinh.dantri.com.vn/

 

Để lại một bình luận